Đua theo giá xăng, cước taxi sẽ tăng 2.000 đồng/km?
“Kêu trời” với giá xăng mới, các hãng vận tải và taxi bắt đầu nghĩ tới khả năng tăng giá. Đại diện một hãng taxi tại Hà Nội nhận định, giá cước taxi sẽ phải tăng ít nhất từ 1.500 đồng đến 2.000 đồng/km mới trụ được với giá xăng dầu mới.
“Sẽ tăng giá cước nhưng còn phải chờ…”
Thông tin các mặt hàng xăng dầu tăng giá từ 15 - 20% khiến nhiều hãng vận tải và taxi như “ngồi trên đống lửa”. Trao đổi với phóng viên VTC News, ông Nguyễn Việt Hoàng, Phó phòng Phát triển kinh doanh, hãng Taxi Mai Linh chia sẻ: Trong vận tải hành khách, chi phí tiêu hao nhiên liệu chiếm trên 30% tổng chi phí. Nhưng với mức tăng giá xăng cao nhưng hiện nay, hầu hết các hãng taxi đều chưa thể điều chỉnh giá cước lên mức tương ứng bởi nhiều lí do.
“Khi tăng giá phải làm rất nhiều thủ tục, trải qua nhiều công đoạn gửi công văn, giấy tờ xin phép các cơ quan, ban ngành có liên quan do đó, chắc trong vòng 2 tuần tới, mức giá vẫn chưa có gì thay đổi”, ông Hoàng nói.
Tuy vậy, theo ông Hoàng, ngay sau buổi sáng 24/2, Công ty CP Tập đoàn Mai Linh Đông Bắc Bộ tổ chức cuộc họp để đề ra kế hoạch tiếp theo trong việc điều chỉnh tỷ giá. “Giá cả tăng bao nhiêu %, chúng tôi chưa thể nói trước được vì phải bàn bạc cụ thể nhưng chắc chắn mức độ tăng đó phải phù hợp”, ông Hoàng khẳng định.
Giá cước taxi trong thời gian tới sẽ phải tăng ít nhất từ 1.500 - 2.000 đồng/km thì mới “đủ sống”?
Cũng đồng quan điểm với ông Hoàng, đại diện của hãng taxi Hanoi Tourist, ông Trương Thế Anh nhấn mạnh: “Phản ứng tăng giá cước ngay sau khi giá xăng tăng là không có. Nhưng tới một thời điểm thích hợp nào đó, sau khi cân nhắc mà không thể có phương án khác thì sẽ phải tăng giá”.
Khi giá xăng tăng, nhiều hãng taxi nổi tiếng và phổ biến trên địa bàn Hà Nội hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu điều chỉnh giá cước. Ông Triệu Vân Hải, cán bộ thanh tra của hãng taxi Thành Công cũng thông báo: Taxi Thành Công vẫn để nguyên giá cước cũ. Với hãng taxi Thành Công, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, doanh nghiệp phải tự bù lỗ nhưng taxi vẫn hoạt động như bình thường, đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân. Sẽ không có trường hợp đóng cửa, kêu “hết taxi” hay không cung cấp dịch vụ khiến người dân bức xúc như trường hợp đã xảy ra với một số cửa hàng xăng dầu trong đợt vừa rồi.
Cũng khẳng định chưa có thông tin gì về việc điều chỉnh giá nhưng đại diện một hãng taxi khác tại Hà Nội nhận định, giá cước taxi trong thời gian tới sẽ phải tăng ít nhất từ 1.500 - 2.000 đồng/km thì mới “đủ sống”.
Cùng “kêu trời” với giá xăng dầu mới, ông Đậu Xuân Ngọc - giám đốc Công ty vận tải Thiên Trường, chuyên chạy tuyến Hà Nội – Thái Bình, cho rằng: các công ty vận tải sẽ gặp rất nhiều khó khăn do giá nhiên liệu tăng quá mạnh và để làm ăn có lãi thì “buộc phải tăng giá mà tăng giá quá cao thì sẽ mất khách”.
“Thật sự là rất khó, doanh nghiệp sẽ cân đối để đưa ra mức giá mà khách hàng chấp nhận được”, ông Ngọc nhận xét và dự đoán giá vận tải sẽ tăng dưới 15% vì “không thể đi theo giá xăng dầu được”.
DN taxi “sốt vó” vì phải bù lỗ
Trước việc xăng tăng giá, đại diện các hãng taxi lớn đều cho rằng: Việc điều chỉnh giá cước taxi hoàn toàn không hề đơn giản, vì vậy, trong vòng 1 – 2 tuần tới, giá cước taxi chưa thể điều chỉnh ngay. Cũng chính vì thế, hầu hết các doanh nghiệp vận tải này đều tỏ ra lo lắng vì họ sẽ phải đối mặt với khó khăn trong việc cân nhắc bài toán thu chi sau khi giá xăng tăng cũng như tình trạng tự bỏ tiền ra để… bù lỗ.
“Chúng tôi cảm thấy quá khó khăn cho doanh nghiệp. Năm vừa rồi, giá xăng dầu giảm 2 đợt, tăng 5 đợt, trong khi đó, suốt cả năm, công ty lại không tăng giá cước, cả một năm bù lỗ, phải chịu nhiều phần chênh lệch tăng cho lái xe để đảm bảo thu nhập cho họ. Năm nay, nếu không có gì thay đổi vẫn phải bù lỗ” – ông Thế Anh, đại diện của hãng taxi Hanoi Tourist than thở.
Các hãng taxi điêu đứng vì sẽ phải bỏ tiền ra bù lỗ vì chưa thể tăng giá ngay khi giá xăng tăng đột biến.
Đồng chung cảnh ngộ, ông Quốc Hùng, Trưởng phòng kinh doanh của taxi Vạn Xuân cũng đứng ngồi không yên: “Đợt này tăng quá nhiều, chúng tôi phải cân đối lại nhưng trong vòng 1 tuần tới vẫn giữ giá”.
Ông Hùng chia sẻ: Trước mắt, hãng Vạn Xuân sẽ cùng gánh một phần chi phí phát sinh do giá xăng leo thang để hỗ trợ phần nào với tài xế taxi. Đồng thời, hầu hết các chủ doanh nghiệp đều phải chọn giải pháp: Động viên anh em nhân viên làm việc, vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Về lâu dài, ông Thế Anh lo ngại: Doanh nghiệp sẽ phải tính đến kế hoạch xin cơ quan chức năng tăng giá cước taxi để tồn tại. Bởi lẽ, “nếu cứ chạy mãi như này chắc phải phá sản mất, vì từ cái ắc quy tới cái xăm lốp đều tăng giá chóng mặt, lại cộng thêm gánh nặng về chi phí nhiên liệu… Chúng tôi khó mà trụ nổi”.
Theo các chuyên gia phân tích, việc giá xăng tăng sẽ giúp nhà nước tiết kiệm được lượng ngoại tệ nhập siêu nhiên liệu trong thời gian tới, cất được một phần gánh nặng cho ngân sách quốc gia trong thời buổi phải thắt lưng buộc bụng vì lạm phát.
Song, ông Thế Anh cũng trăn trở 2 điều: Khi giá xăng tăng có thể gây nên những hiệu ứng tiêu cực, làm thế nào để có thể gạt bỏ taxi dù hay taxi ma. Ngoài ra, ông khuyến nghị: Nhà nước nên tăng điểm đỗ cho taxi, “Bây giờ tìm điểm đỗ khó quá. Xăng dầu lên giá, trong khi cả TP. Hà Nội lớn như vậy mà chỉ có mấy chục điểm đỗ, thử hỏi mấy nghìn xe taxi đổ ở đâu, chạy lòng vòng sẽ rất tốn chi phí đi lại”.
Trao đổi với phóng viên VTC News, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: giá cả vận hành theo cơ chế thị trường nên khi đầu vào tăng, mọi mặt hàng sẽ điều chỉnh giá cho hợp lý. Tuy nhiên, do giá tăng mới tăng nên “chưa thể tính toán cụ thể được và tùy theo từng doanh nghiệp sẽ có điều chỉnh cụ thể. Doanh nghiệp đã có giá trên mức giá xăng dầu 1 chút thì có thể cố chịu đựng nhưng các doanh nghiệp đã có giá cạnh tranh thì chắc chắn khi giá xăng dầu lên họ sẽ phải điều chỉnh lên để kinh doanh khỏi lỗ”, ông Liên nhận định.
Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng cho biết hiện chưa có đơn vị nào liên hệ với Hiệp hội về vấn đề này và dự đoán cước phí vận tải sẽ phải tăng khoảng 7% thì doanh nghiệp mới “có thể chịu đựng được”.
Theo Khánh Hòa-Tiểu Phương
VTCNews
Tin khác
- Nghiệp chứng khoán đến dễ mà khó đi. Dù có thể chịu thua lỗ, nhưng nhiều người vẫn cho rằng, bất ngờ chính là một vẻ đẹp của chứng khoán.
- Khi các VIP tăng cường “lướt sóng”
- Phó chủ tịch Quốc hội: Mang 100.000 đồng ra chợ không biết mua gì!
- Công bố 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2010
- Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn nhiều trở ngại
- Giá thép tăng lần thứ hai trong tháng
- 4.000 tỷ đồng đầu tư khu nhà ở cao cấp phía tây Hà Nội
- Thanh toán trực tuyến vé máy bay bằng thẻ E-Partner
- Câu lạc bộ ngân hàng nghìn tỷ
- Điện, xăng có thể làm tăng chỉ số giá thêm 2%