Công bố 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2010
Bảng xếp hạng FAST500 nhằm tìm kiếm và tôn vinh những doanh nghiệp có hiệu quả và tăng trưởng nhanh nhất – những ngôi sao đang lên của nền kinh tế Việt Nam. Bảng xếp hạng FAST500 được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học, độc lập và tuân theo chuẩn mực quốc tế (có tham khảo các mô hình xếp hạng của Inc500, Fortune500 và Deloitte500). Doanh nghiệp không phải nộp bất cứ khoản phí nào để được lọt vào Bảng xếp hạng, và có quyền tự hào chính đáng khi được xếp hạng trong FAST500 bởi nguyên tắc điều tra đánh giá độc lập của chương trình.
Năm 2010, bảng xếp hạng FAST500 được xây dựng dựa trên cơ sở dữ liệu VNR Biz Database với hơn 200.000 DN của Vietnam Report, dữ liệu xây dựng bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (2007 – 20010), dữ liệu V1000 – Top 1000 doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất Việt Nam (2007 – 2009) và các nguồn dữ liệu khác. Số liệu được cập nhật trong bốn năm 2006, 2007, 2008, 2009 và thứ hạng doanh nghiệp được sắp xếp dựa trên tiêu chí tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của doanh thu trong giai đoạn 2006-2009. Các chỉ tiêu tổng tài sản, lợi nhuận, số lao động tại doanh nghiệp cũng được tính toán trong quá trình xếp hạng. Đặc biệt, trong năm đầu tiên tổ chức công bố này, Ban tổ chức đã nhận được sự hợp tác tích cực từ các doanh nghiệp trong việc hợp tác công bố thông tin tài chính và kiểm chứng dữ liệu điều tra. Đã có hơn 2000 hồ sơ, tài liệu cũng như các báo cáo tài chính được doanh nghiệp được chủ động gửi về cho Ban tổ chức dùng làm tài liệu tham khảo khi xếp hạng. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho thấy môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang tiến triển mạnh mẽ theo hướng minh bạch hoá phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bên cạnh Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (Bảng 1), Vietnam Report cũng công bố Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (Bảng 2). Tiêu chí lựa chọn các doanh nghiệp SMEs được Vietnam Report sử dụng dựa trên quy định tại Nghị định 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ với tiêu chí có tổng tài sản cập nhật đến 31/12/2009 nhỏ hơn 100 tỷ đồng. Để được xếp hạng trong Bảng 1, tốc độ tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp trong giai đoạn 2006 – 2009 (CAGR) phải đạt tối thiểu 30%.
Thông tin chi tiết và danh sách được đăng tại trang website: www.fast500.vn
Kết quả nghiên cứu của Vietnam Report được công bố theo hai Bảng xếp hạng chính như sau:
Bảng xếp hạng FAST500 - Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, thứ hạng Top 10 gồm: 1. Công ty CP Thương mại Nguyễn Kim; 2. Công ty CP Thương mại SABECO Sông Hậu; 3. Công ty CP Đông Á; 4. Công ty CP Thế giới di động; 5. Công ty CP Tập đoàn Thiên Quang; 6. Công ty CP Tập đoàn Thái Hòa; 7. Công ty CP Mai Son; 8. Công ty CP nội thất 190; 9. Công ty giấy Việt Pháp; 10. Công ty CP Công nghiệp MASAN. Đây là những công ty có tốc độ tăng trưởng CAGR bình quân Top 10: 190,2%
Bảng xếp hạng FAST500 – Top 500 doanh nghiệp SME tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, thứ hạng Top 10 gồm: 1. Công ty CP Thép Thành Đạt; 2. Công ty TNHH TM-DV nông sản Việt; 3. Công ty CP TM Hoa Đào; 4. Công ty TNHH Phát triển công nghệ hệ thống; 5. Coogn ty CP CONECO thương mại; 6. Công ty CP Kim Tín; 7. Công ty TNHH Hà Mỵ; 8. Công ty CP dinh dưỡng Việt Tín; 9. Công tyTNHH C.P.P; 10. Công ty TNHH hương liệu thực phẩm Việt Nam. Đây là những công ty có tóc độ tăng trưởng CAGR bình quân Top 10: 165,04%
Qua bảng xếp hạng FAST500 năm 2010, nhóm nghiên cứu đưa ra một số kết quả ban đầu như sau:
Thứ nhất, 500 doanh nghiệp trong BXH FAST500 có tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2006-2009 đạt 54%, trong đó Top50 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất đạt tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng, 160%, Top 100 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất đạt tốc độ tăng trưởng 112%, và đặc biệt Công ty đứng đầu bảng xếp hạng Fast 500 năm 2010 là Công ty CP Thương mại Nguyễn Kim có tốc độ tăng trưởng 675,3%.
Thứ hai, trong BXH FAST500 năm 2010, các doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ lệ áp đảo với tỷ lệ 78% vượt xa so với khối các doanh nghiệp nhà nước (chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn 17%). Các con số này cho thấy tín hiệu tốt khi khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam ngày càng thể hiện rõ vai trò phát triển năng động và đổi mới của mình để có thể trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai không xa.
Thứ ba, tổng số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp trong bảng xếp hạng FAST500 là 276.318 lao động trong đó nhóm ngành Chế biến - chế tạo và sản xuất có số lao động nhiều nhất với 121.341 lao động (chiếm 43,9% tổng số lao động của 500 doanh nghiệp), tiếp đến là ngành Xây dựng với 51.296 lao động (chiếm 18,6%), đứng thứ ba là nhóm ngành Kinh doanh - Dịch vụ với 26.125 lao động (chiếm 9,5%). Như vậy, có thể thấy các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh trong nền kinh tế Việt Nam không chỉ thể hiện mức tăng trưởng đáng kể mà còn góp phần vào việc tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, bổ sung thêm tính hiệu quả cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp.
Thứ tư, nhóm ngành chế biến, chế tạo và sản xuất có số doanh nghiệp nhiều nhất trong BXH FAST500 năm 2010 với tỷ lệ 41,8% trên tổng số doanh nghiệp. Tổng doanh thu trong năm 2009 của các doanh nghiệp trong ngành này khoảng hơn 107 nghìn tỷ đồng và tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2009 của các doanh nghiệp trong ngành Chế biến - chế tạo – sản xuất trong BXH FAST500 năm 2010 đạt khoảng 49%. Tiếp đến là ngành xây dựng với số doanh nghiệp chiếm 16,6%, tổng doanh thu đạt khoảng 27 nghìn tỷ đồng và CAGR bình quân giai đoạn 2006-2009 đạt 53,3%. Đứng thứ ba về số lượng doanh nghiệp là khối ngành Kinh doanh - Dịch vụ (chiếm 16,8% trên tổng số DN), các số liệu tương ứng doanh thu và CAGR lần lượt khoảng 140 nghìn tỷ đồng và 56,87%. Sự xuất hiện của đông đảo các doanh nghiệp ngành chế tạo – sản xuất trong Bảng Xếp hạng FAST500 là một tín hiệu rất đáng mừng cho nền kinh tế Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, ngành kinh doanh - dịch vụ vẫn cho thấy hiệu quả cao trong cơ cấu ngành của BXH FAST500 năm 2010, mặc dù ít hơn về số lượng doanh nghiệp, nhưng lượng doanh thu do ngành tạo ra và tốc độ tăng trưởng bình quân của các doanh nghiệp trong ngành vẫn cao nhất.
Thứ năm, phân bổ theo địa bàn hoạt động, số lượng doanh nghiệp FAST500 tập trung phần lớn ở miền Bắc (45%) và miền Nam (50,4%), trong đó chủ yếu các doanh nghiệp tập trung ở hai trung tâm kinh tế lớn của cả nước là Hà Nội (26,2%) và Thành phố Hồ Chí Minh (26,8%). Đáng chú ý là các doanh nghiệp khu vực miền núi phía Bắc cũng góp mặt với tỷ lệ đáng khích lệ, 5% trên tổng số 500 doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu nhanh nhất của cả nước.
Mặc dù sẽ không tránh khỏi các sai sót trong việc điều tra, thu thập và xử lý số liệu thống kê, hy vọng Bảng Xếp hạng FAST500 cung cấp một góc nhìn mới nhằm hoàn thiện bức tranh tổng thể phản ánh hiện trạng sức mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, chúng tôi hy vọng trong thời gian tới ngành xếp hạng và thông tin doanh nghiêp Việt Nam sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ nhằm theo kịp xu thế phát triển của thời đại.
Tin khác
- Nghiệp chứng khoán đến dễ mà khó đi. Dù có thể chịu thua lỗ, nhưng nhiều người vẫn cho rằng, bất ngờ chính là một vẻ đẹp của chứng khoán.
- Khi các VIP tăng cường “lướt sóng”
- Phó chủ tịch Quốc hội: Mang 100.000 đồng ra chợ không biết mua gì!
- Đua theo giá xăng, cước taxi sẽ tăng 2.000 đồng/km?
- Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn nhiều trở ngại
- Giá thép tăng lần thứ hai trong tháng
- 4.000 tỷ đồng đầu tư khu nhà ở cao cấp phía tây Hà Nội
- Thanh toán trực tuyến vé máy bay bằng thẻ E-Partner
- Câu lạc bộ ngân hàng nghìn tỷ
- Điện, xăng có thể làm tăng chỉ số giá thêm 2%