Tìm kiếm:    Chọn:    

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn nhiều trở ngại

Nguyên nhân mấu chốt tác động tới chất lượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn vật chất và năng lượng thấp.

Chất lượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện đang đứng ở điểm nào trên biểu đồ tăng trưởng, những yếu tố nào kìm hãm chất lượng tăng trưởng và làm thế nào để chúng ta vượt qua những trở ngại này…?

Đó là những câu hỏi “nóng bỏng” trong bài toán tăng trưởng được đặt ra tại hội thảo khoa học quốc tế “Chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2001 – 2010 và định hướng tới năm 2020”.

Vì sao chất lượng tăng trưởng kinh tế thấp?
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng trung bình của giai đoạn 2001 – 2010 là 7,25%. Trong đó, tăng trưởng trung bình giai đoạn 2001 – 2005 là 7,51% và giai đoạn 2006 – 2010 lại bị tụt lùi, còn 7%.


Phát biểu tại hội nghị, các chuyên gia đều có chung quan điểm rằng chất lượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn thấp và chưa đạt được độ bền vững. Chất lượng tăng trưởng kinh tế thấp thể hiện ở sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, tính hiệu quả của kinh tế thấp, đồng thời, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu.


Để minh chứng cho sự chưa bền vững của chất lượng tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia cho rằng, hiện nay ở Việt Nam, các vấn đề về xã hội như lao động – việc làm, xóa đói giảm nghèo, công bằng xã hội… đều đang là những vấn đề bức xúc, còn môi trường đang ở mức báo động. Theo tính toán của các chuyên gia, thiệt hại môi trường do các hoạt động kinh tế gây ra chiếm khoảng 5,5% GDP hàng năm.

Các chuyên gia cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân tác động tới chất lượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên vấn đề mấu chốt tập trung vào một số nguyên nhân chủ yếu là năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn vật chất và năng lượng thấp. Với mức tăng 5,13% trong giai đoạn 2001-2010, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam được cho là thấp so với các nước trong khu vực khi Trung Quốc gấp trên 2 lần so với Việt Nam; Thái Lan gấp 4,5 lần; Malaysia gấp 12 lần và Hàn Quốc gấp 23,5 lần.

GS.TS Kenichi Ohno cho rằng Việt Nam cần nghiên cứu những ví dụ điển hình trên thế giới về chiến lược phát triển kinh tế để tìm ra con đường phù hợp với mình. (ảnh: N.T)

Về hiệu quả sử dụng vốn, GS.TS Nguyễn Văn Nam – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định: “Trong suốt thời gian vừa qua, mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam mới chỉ tập trung vào chiều rộng, tăng trưởng nhờ tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và sức lao động chứ chưa tập trung vào tăng trưởng chiều sâu”.

Theo tính toán, tỷ trọng đầu tư toàn xã hội đã tăng liên tục trong vòng hơn một thập kỷ qua từ mức 28,4% của GDP năm 1996 đến mức cao kỷ lục là 43,1% năm 2007 và 42,2% năm 2008. Nếu năm 1997, chỉ với mức đầu tư chiếm 28,7% GDP Việt Nam đạt được mức tăng trưởng 8,2% thì năm 2008 chúng ta đạt tốc độ tăng trưởng tương tự 8,5% nhưng với lượng vốn đầu tư tới 43,1% GDP.

Đồng thời, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thấp và hầu như không được cải thiện từ năm 2001 đến nay. Năm 2009, Việt Nam bị tụt 5 hạng so với năm 2008, trong khi các nước trong khu vực lại cải thiện được vị thế cạnh tranh của mình trong bảng xếp hạng. Bên cạnh đó, cấu trúc đầu vào của tăng trưởng, những bất ổn về môi trường và hệ số co giãn giảm nghèo đang giảm dần và bất bình đẳng đều có xu hướng tăng mạnh… cũng là những nguyên nhân tác động không nhỏ tới chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.

Lối đi nào cho Việt Nam?
Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, để giải quyết bài toán chất lượng tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần tháo được các “nút thắt” về tư duy kinh tế. Phải đặt nền kinh tế trong môi trường cạnh tranh kể cả đối với các doanh nghiệp (DN) nhà nước.

GS.TS Kenichi Ohno – Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản lại cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu những ví dụ điển hình trên thế giới về chiến lược phát triển kinh tế để tìm ra con đường phù hợp với mình. Ví dụ, Singapor thành lập Ủy ban Quốc gia về Năng suất và Giáo dục thường xuyên (NPCEC) với tư cách hoạch định nền kinh tế năng suất cao. Các nước khác như Hàn Quốc, Malayxia, Thái Lan… trước đó cũng đã thành công với các hội đồng, ủy ban hoặc nhóm tư vấn cấp cao về kinh tế.

Đại diện cho phía các DN, ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ cho rằng, phải giải được bài toán giữa lạm phát, lãi suất và tỷ giá mới có thể giải quyết được vấn đề của chất lượng tăng trưởng kinh tế.

Về vai trò của các DN trong việc xây dựng các chính sách, TS Phạm Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN vừa và nhỏ - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cho rằng: “Trước đây, cộng đồng DN thường đứng ngoài cuộc mỗi khi nhà nước có chủ trương xây dựng chính sách kinh tế. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều chính sách được ban hành nhưng thực sự không khả thi”, bà Hằng nhấn mạnh.
 

Theo Ngọc Tuyên
Lao động